586 lượt xem

Những điều đặc biệt trong giáo dục ở nước Đức

Bí mật của nền giáo dục Đức: Khi con em chúng ta đang học toán, học sinh  của Đức đang làm gì? - DKN.News

1. Vào lớp 1 được coi là sự kiện rất trọng đại đối với cuộc đời mỗi em học sinh

Trước thời gian khai giảng, các gia đình thường tổ chức một buổi tiệc mời tất cả ông bà, họ hàng, những người bạn bè thân thiết cùng đến chung vui, chúc mừng cháu bé đã sắp bước vào lớp 1.

Vào lớp 1, bé ý thức được mình đã lớn hơn rất nhiều và rất sung sương khi được nhận rất nhiều quà từ cha mẹ, ông bà, họ hàng và những người thân. Các em được cha mẹ dạy dỗ cách gọi điện cảm ơn những người đã tặng quà, vui vẻ được tự tay bóc quà.

Ngày đầu bé đến trường học lớp 1, dù bận việc đến đâu bó mẹ và gia đình cũng cùng đến trường bé, đón ngày lễ khai giảng rất vui vẻ, các bé được đón tiếp và tặng quà là những đồ dùng học tập, bánh kẹo,… được đựng trong một cái zucker-tüte làm bằng bìa hình tượng một bó hoa.

2. Học sinh tiểu học ở Đức vẫn được đánh giá bằng điểm số kiểm tra

Mỗi học kỳ, mỗi môn được đánh giá 2-3 lần. Chương trình học của các em ngoài môn toán, tiếng Đức, các môn nghệ thuật và thể dục thể thao rất được quan tâm. Ở trường tiểu học có lớp học một buổi và có lớp học 2 buổi (bán trú). Phụ huynh tùy theo nhu cầu nguyện vọng có thể đăng ký cho con theo học ở loại hình lớp nào, nhà trường không áp đặt.

3. Học hết lớp 4 các em chuyển cấp

Từ lớp 5 đến lớp 10 là cấp Phổ thông Trung học đã có sự phân luồng. Điểm xét tuyển chuyển cấp là kết quả học tập của cá nhân ở học kỳ 1 lớp 4.

Những học sinh khá giỏi được học ở các trường dành cho học sinh khá giỏi, sau này có thể chuyển học ở hệ lên tiếp tiếp lớp 11, 12 dự bị Đại học, sẽ học Đại học.

Những học sinh trung bình sẽ học trường riêng, hết lớp 10 sẽ chuyển hệ học nghề. Những học sinh học hề sẽ có thể đi làm và kiếm tiền sớm hơn những sinh viên đại học từ 3-5 năm, công việc dễ kiếm hơn hên nhiều em tự lựa sức học và hoàn cảnh nên thấy không nhất thiết cứ phải học Đại học. Trong quá trình đi làm nếu vẫn có nhu cầu học Đại học thì người đó vẫn có thể đăng kí thi và theo học. Cơ hội học tập diễn ra suốt cuộc đời. Ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học và nhận công việc thì nơi tiếp nhận làm việc vẫn có những khóa đào tạo và tập huấn thường xuyên để nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác.

4. Ở Đức làm nghề gì cũng phải qua học tập đào tạo đúng chuyên ngành bài bản

Ở Đức, cần phải có bằng cấp hoặc chứng chỉ theo những quy định pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp phép mới được hành nghề. Dù có tay nghề nhưng chưa qua trường lớp đào tạo lại để được cấp giấy phép của nước Đức cũng coi như không hợp pháp.

Việc quản lý chặt chẽ này đã giúp hạn chế rất nhiều các tai nạn nghề nghiệp tiêu cực xảy ra. Nếu không có giấy tờ cho phép làm việc hợp pháp mà tự làm như nhiều giáo viên, bảo mẫu ở Việt Nam thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Bởi đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những việc làm, hành vi cấm kỵ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

5. Chương trình giáo dục phổ thông ở Đức có 24 bộ sách giáo khoa

Do có 24 bộ sách giáo khoa (SGK) nên việc dạy học theo bộ sách nào là do nhà trường quyết định. Có trường chọn ra 6 trong 24 bộ, từ đó lại chọn lựa các bài học phù hợp cho trường mình. Có trường chọn một bộ sách duy nhất trong 24 bộ.

Nhà trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo giáo dục theo các quy định của Bộ giáo dục ở từng Bang và phải làm sao đảm bảo các kiến thức để học sinh có thể tham dự thi và học ở các trường phổ thông, đại học,… trên toàn quốc.

Việc sử dụng SGK có một sự quản lý chặt chẽ. SGK của học sinh và sách hướng dẫn của giáo viên không được bán tự do ở cửa hàng. Nhà trường sẽ cho học sinh mượn SGK để học.

Ngay đầu năm học mới, cha mẹ học sinh nhận được thông báo cần phải mua các sách bài tập nào dùng cho cá nhân. Đây là sách các em có thể dùng để viết, làm bài, vẽ hình của riêng mình. Nhà trường hoặc các giáo viên sẽ mua hộ học sinh. Còn SGK để học, nhà trường có trách nhiệm cho mượn và thu lại vào cuối năm dùng cho học sinh các lớp sau. SGK được sử dụng hiệu quả qua nhiều thế hệ học sinh. Để giúp các em giữ giùn sách, các trường có nhiều biện pháp hướng dẫn bọc giữ sách không bị bẩn, rách. Ai làm hỏng phải phạt, bồi thường. Thư viện trường có nhiều sách để cho mượn, trả đúng lịch, có quy định phạt tài chính khi người mượn không thực hiện đúng rất rõ ràng.

Do xây dựng thói quen mượn – trả sách nhà trường từ mẫu giáo cùng với văn hóa đọc hàng ngày, học sinh Đức rất gắn bó với thư viện trong học tập và cũng là nơi giúp các em và gia đình tiết kiệm một khoản tài chính khá lớn.

6. Kết quả học tập sau mỗi năm học sẽ được giữ bí mật, không công khai cho mọi người

Sau một năm học, học sinh được đánh giá kết quả học tập nhưng kết quả của từng em, các giáo viên không được xếp thứ tự trong lớp và không công khai, chỉ cá nhân em học sinh và gia đình em đó viết. Đây là cách hạn chế học sinh trong lớp ghen tị hay nảy sinh sự đố kỵ, đặc biệt những em học yếu kém hơn bạn cũng không bị tự ti.

Kết thúc năm học không có việc khen thưởng học sinh đạt các danh hiệu học giỏi, nhà trường chỉ nhắc tới các học sinh đạt giải xuất sắc khi tham gia các cuộc thi của thành phố, Bang, toàn quốc hoặc quốc tế như một sự biểu dương về kết quả của nhà trường. Điều này khác biệt với các trường phổ thông Việt Nam, dù có khó khăn thiếu thốn về tài chính thế nào nhưng nhà trường vẫn dành một khoản không nhỏ làm phần thưởng động viên thi đua cho các lớp đạt danh hiệu tập thể lớp xuất sắc, tập thể lớp tiên tiến, các cá nhân học sinh Giỏi, học sinh Tiên tiến,… Các phụ huynh thấy con cầm tấm giấy khen về nhà lòng cũng rất vui trước sự nỗ lực của con; nhiều cơ quan cũng quan tâm đến đời sống nhân viên, cũng có phần thưởng cho các nhân viên có thành tích xuất sắc,… Con giỏi cha mẹ cũng được mát mặt.

7. Giáo dục ở các Bang nước Đức vừa có tính thống nhất vừa có nét riêng biệt

Nước Đức có 16 Bang, mỗi Bang gồm một số tỉnh, thành phố, phân chia theo các vùng miền. Giáo dục ở các Bang vừa có tính thống nhất vừa có nét riêng biệt trong một số các quy định về hoạt động giáo dục.

Ví dụ, quy định về số lượng ngày nghỉ lễ, tết Noel, nghỉ các kỳ trong năm như nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ thu,… Thống nhất về số ngày nghỉ của năm học nhưng ngày nghỉ không trùng nhau, không giống nhau. Thường các Bang nghỉ chênh lẹch nhau từ vài ngày đến 1-2 tuần nối tiếp. Số ngày nghỉ hè thường là 6 tuần, ngoài ra có các kỳ nghỉ đông, xuân, thu,… có nơi khác nhau 1-2 tuần. Sự điều tiết về các kỳ nghỉ chênh nhau giữa các Bang phù hợp với thời tiết vùng miền, giảm được lưu lượng quá đông ở cá vùng du lịch, nghỉ dưỡng vào thời điểm học sinh nghỉ. Các nhà ga, sân bay, đường giao thôgn hạn chế được sự quá tải, ùn tắc và tai nạn.

Nếu đến nước Đức vào ngày bắt đầu một kỳ nghỉ của học sinh, người ta sẽ thấy khắp các ngả đường của thành phố, sân bay, nhà ga nghìn nghịt các gia đình đưa con cái đi du lịch. Ngày hôm sau, đường phố và nhiều hoạt động xã hội vắng lặng đến ngỡ ngàng. Vài hôm sau, nhờ có sự điều tiết trong việc nghỉ học khác biệt, chênh nhau giữa các Bang mà các hoạt động kinh tế xã hội vẫn được duy trì, thúc đẩy bởi lại có nhiều đoàn học sinh và các gia đình ở vùng khác kéo đến du lịch, khám phá.

Chỉ mới một hoạt động đi học và nghỉ học của học sinh thôi đã thấy giáo dục ảnh hưởng tác động tới tất cả các gia đình và xã hội như thế nào.

Những điều đặc biệt của giáo dục ở nước Đức cũng đáng để ta suy ngẫm trong một số vấn đề giáo dục nước nhà.

Kim liên – Hội khoa học tâm lí giáo dục Hà Nội