Ngày 14 tháng 02 năm 2020 tại Hà Nội, Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học đề tài “Bệnh thành tích, bệnh thành tích trong Giáo dục, những vấn đề lý luận, tiếp cận từ Khoa học Tâm lý học”.
Đến dự Hội thảo có 30 đại biểu là các nhà Khoa học, nhà giáo. GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam chủ trì hội thảo. PGS. TS. Trần Kiều Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội PGS. TS. Vũ Trọng Rỹ, TS. Nguyễn Tùng Lâm và một số phóng viên báo, đài truyền hình (Báo Nhân dân, báo Giáo dục Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, Truyền hình VTC9) đến dự và đưa tin.
Bệnh thành tích, bệnh thành tích trong Giáo dục là hiện tượng có thật trong xã hội và trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Bệnh thành tích trong Giáo dục được biểu hiện bằng các hoạt động, hành vi không trung thực trong các báo cáo đánh giá về kết quả trong hoạt động Giáo dục và Đào tạo, báo cáo sai sự thật, thổi phồng, phô trương các kết quả công việc mà tập thể, cá nhân đã thực hiện không đúng như thực tế nhằm đạt được một mục đích nào đó theo ý đồ của chủ thể tạo ra nó…
Hội thảo đã có 14 báo cáo Khoa học được trình bày tại Hội thảo. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các đại biểu đều cho rằng: đây là hiện tượng bất bình thường. “Bệnh thành tích” nói chung, “Bệnh thành tích” nói riêng trong hoạt động giáo dục là cách nói của dư luận xã hội nhằm ám chỉ về các loại hành vi, hành động gian lận, lừa dối, háo danh, tạo dựng thành tích ảo trong Giáo dục, Đào tạo… GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú đã đi sâu phân tích các động cơ, mục đích của các hoạt động, hành động gian lận lừa dối; đã chỉ ra các điều kiện và phương tiện – đây là các lỗ hổng tạo điều kiện cho các hoạt động, hành động gian lận lừa dối dễ xuất hiện và có điều kiện tồn tại trong các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường các cấp. Đề xuất về các giải pháp tháo gỡ, các phát biểu tranh luận tại hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như phải xác định được hệ giá trị sống, giá trị chuẩn mực trong điều kiện hiện nay; giáo dục phải gắn với hỉnh thành người công dân mẫu mực, có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của tất cả mọi người dân, của các cán bộ quản lý giáo dục, của cả thầy và trò; Phải thay đổi hệ thống thi đua khen thưởng, đánh giá trong giáo dục và đào tạo; Các cơ quan soạn thảo và thi hành luật pháp phải vào cuộc, phải sửa đổi, soạn mới, chấn chỉnh lại các điều luật theo hướng nghiêm trị thật nặng các hành vi gian lận lừa dối trong xã hội nói chung, trong giáo dục đào tạo nói riêng; Phải hiện đại hóa hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra kết quả trong đào tạo nói chung, trong thi cử nói riêng v.v… Điều quan trọng là lãnh đạo các cấp từ trung ương tới các địa phương, các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên và tất cả người mọi dân trong cả nước phải cùng hành động, thực sự quyết tâm “nói không với bệnh thành tích” thì mới có khả năng hạn chế nhằm đi đến xoá bỏ được căn bệnh nan y của cả nước ta hiện nay./.
Tin và ảnh của Đỗ Mạnh Thuấn
Nguồn: https://hoitamlygiaoduc.org/xoa-bo-benh-thanh-tich-trong-giao-duc-dao-tao/